Hoạt động chống thất thoát nước sạch tại các doanh nghiệp cấp nước

Hoạt động chống thất thoát nước sạch tại các doanh nghiệp cấp nước

05/01/2017

Hiện nay 63 Tỉnh, Thành phố có 86 công ty cấp nước cho đô thị. Trong đó vai trò chính cung cấp dịch vụ cấp nước cho các đô thị là các công ty cấp nước địa phương.

Một số Trung tâm nước sạch nông thôn đảm nhiệm việc cấp nước cho các đô thị loại IV, V. Các công ty cấp nước hầu hết thuộc loại hình Công ty TNHH nhà nước một thành viên. Công ty cổ phần có 16 công ty, nhưng chỉ có 2 công ty vốn nhà nước dưới 50% (Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tầu).

Chống thất thoát là đề tài được Hội và các chi hội rất quan tâm. Hội đặt ra chỉ tiêu mỗi năm giảm 1% và từ năm 2011 đến nay, chỉ tiêu này tính bình quân toàn quốc đều thực hiện được.

Với hơn 420 nhà máy, tổng công suất thiết kế đạt 6,7 triệu m3/ngày đêm. Độ bao phủ dịch vụ đạt 78%.

Nếu đi vào chi tiết xác định lượng nước thất thoát cho chính xác, chúng ta cần có thời gian và tìm hiểu đặc điểm của từng công ty. Trước mắt, sử dụng cách tính thất thoát chung do Hội nước quốc tế (IWA) đưa ra:

Nước thất thoát = lượng nước sản xuất ra – Lượng nước thương phẩm.

Theo công thức này và dựa trên số liệu năm 2012 của các công ty cấp nước theo báo cáo, tình hình thất thoát nước của các công ty như sau: 

II. Những nỗ lực trong chống thất thoát thời gian qua

1. Trong số các công ty so sánh với số liệu Benchmarking năm 2009 có 46 công ty mức giảm thất thoát từ 1-17%.

- Nhóm công ty dưới 15% đã tăng thêm 04 công ty. 

- Nếu chỉ tính 10 công ty có công suất lớn và mức giảm thất thoát trên 3% thì số nước sản xuất ra đã tăng thêm 62.000.000m3/năm tương đương công suất nhà máy 200.000m3/ngày và giá trị làm lợi 300 tỷ đồng (với mức giá bình quân 5000VND/m3).

- Chỉ còn 6 Công ty có mức thất thoát trên 30% (2009 có 15 công ty) và 1 công ty có mức thất thoát trên 40%.

Nguyên nhân:

-Tăng cường các biện pháp quản lý

+ Bộ máy lãnh đạo ổn định, giám đốc quan tâm và chú trọng áp dụng KHCN tiên tiến, các biện pháp chống thất thoát.

+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện cấp nước an toàn.

+ Quản lý khách hàng, đặt đồng hồ và chịu trách nhiệm về tính minh bạch và chính xác của đồng hồ.

- Nâng hiệu quả nhà máy (tiết kiệm điện, sử dụng rửa lọc hợp lý, tự động hóa).

- Nâng cao chất lượng và quản lý mạng (thay thế ống kém chất lượng; sử dụng các phần mềm và thiết bị quan trắc theo dõi các biến động trên mạng; phân vùng, tách mạng).

- Tuyên truyền vận động cộng đồng nâng cao ý thức sử dụng nước, chống lấy cắp, đục trộm để lấy nước, can thiệp làm sai lệch chỉ số đồng hồ (TP. HCM gần 200 trường hợp, Hà Nội 1200 trường hợp khách hàng làm sai lệch đồng hồ).

Thực hiện có kết quả các biện pháp trên đây điển hình có các công ty như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa – Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tầu, SaWaco, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng…

2. Có 13 Công ty có mức thất thoát tăng từ 1,5 đến 8%

Nguyên nhân chủ yếu do tiếp nhận thêm các Trạm cấp nước cho đô thị nhỏ, chất lượng nhà máy và đường ống kém (Phú Thọ); Do khai thác vượt công suất quá nhiều, đường ống cũ cần thay thế nhưng nguồn tài chính chưa đáp ứng (Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn), một số công ty do tác động của thiên tai (Lào Cai) hoặc do ảnh hưởng của việc thay đổi cán bộ lãnh đạo quản lý…

III. Đề xuất của Hội Cấp Thoát nước Việt Nam trong chống thất thoát.

1. Nhân rộng các điển hình, tiên tiến trong chống thất thoát.

- Tổ chức các semina chia sẽ kinh nghiệm giữa các công ty đã làm tốt và các công ty hiện đang có mức thất thoát cao.

- Ghép đôi, hoặc ghép 3, (có thể có chuyên gia phân tích hướng dẫn) giữa các công ty đang triển khai chương trình chống thất thoát (từ 2009 đến nay đã có giữa Bình Dương với Quảng Ninh, Hải phòng, Hải Dương với Vũng Tầu, SAWACO với Thái Lan, Malaixia…).

2. Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình cấp nước an toàn do WHO và VWSA đã và đang triển khai tại các công ty cấp nước đô thị.

- Nâng cao chất lượng quản lý toàn diện của công ty cấp nước (11 modun kiểm soát toàn bộ chống sự xâm nhập từ bên ngoài làm biến đổi chất lượng nước từ nguồn – nhà máy – mạng – khách hàng). Kết hợp với các thiết bị quan trắc, phần mềm quản lý (Arg GIS..) hiện đang được sử dụng tại Việt Nam.

- Tăng cường giám sát kiểm tra từ Chính quyền, Y tế dự phòng, khách hàng.

- Thực hiện việc đánh giá, giám sát, cấp chứng chỉ và gắn biển cho các hệ thống đảm bảo cấp nước an toàn. 

- Xây dựng các sổ tay vận hành (Trung tâm JICA miền Trung).

3. Hỗ trợ các công ty trong lựa chọn mô hình doanh nghiệp, ổn định nội bộ (Bộ, Hội…) tại một số công ty địa phương.

4. Tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho các công ty có khó khăn (Miền núi phía Bắc, một số công ty khác…).

5. Tăng cường công tác giáo dục truyền thông trong cộng đồng về sử dụng và tiết kiệm nước nhất là các đô thị lớn.

6. Tổ chức nghiên cứu và đánh giá đúng mức đặc điểm thất thoát tại các công ty cấp nước tại Việt Nam; các loại hình thất thoát (rửa lọc, nước cho các mục đích công cộng, trợ cấp xã hội…).

7. Có chính sách hỗ trợ cho các công ty cấp nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) trong thay thế ống mục, ống kém chất lượng. Chế tài nghiêm với các trường hợp phá đục, đường ống, đồng hồ để lấy nước trái phép (Cục Hạ tầng).

8. Bộ Xây dựng cần ban hành Qui định về sử dụng vật tư thiết bị trong nhà máy, đường ống phân phối truyền dẫn. Tránh tình trạng, vật tư chưa được kiểm nghiệm chất lượng đã cho phép sử dụng, gây nên tổn thất cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. (Bài học từ VIWACO Hà Nội năm 2012 và 2013 đã hai lần vỡ ống truyền tải, hàng vạn dân gặp khó khăn do mất nước 4, 5 ngày và làm công ty này đứng vào hàng các công ty có mức thất thoát trên 30% vào năm 2012).

Kết quả chống thất thoát nước trong 4 năm gần đây tương đối khả quan. Nhìn chung các công ty đã phấn đấu giảm thất thoát xuống dưới 25% là có cơ sở tương đối bền vững. Các công ty cấp nước các đô thị loại 1, 2 tuy có khó khăn trong quản lý khách hàng, thay thế đường ống cũ, nát, nhưng đều đã có kết quả tương đối khả quan trong chống thất thoát, nhờ những biện pháp tích cực và đồng bộ. Hy vọng các mục tiêu trong chống thất thoát nước sạch đô thị sẽ đạt kết quả như mong muốn.

Thong ke