Nghiệm thu 02 Dự thảo tiêu chuẩn TCVN …:2015 của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng)

Nghiệm thu 02 Dự thảo tiêu chuẩn TCVN …:2015 của Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng)

04/01/2017

Ngày 8/4/2016, tại Bộ Xây dựng, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN …: 2015 “Xi măng – Phương pháp xác định độ nở thanh vữa trong môi trường nước” (đề tài mang mã số TC 75-14), và Dự thảo soát xét TCVN 6067-2004 “Xi măng pooc lăng bền sulfat – Yêu cầu kỹ thuật” (mã số TC 74-14) – hai đề tài đều do Viện Vật liệu Xây dựng chủ trì thực hiện.TS. Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ KHCN & Môi trường, Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

TS. Lê Trung Thành chủ trì cuộc họp nghiệm thu

Tại cuộc họp, các chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt công tác thực hiện và các kết quả mà nhóm đề tài thu được. Về đề tài TC 75-14, ThS. Lê Đức Thịnh cho biết: Tiêu chuẩn “Xi măng – Phương pháp xác định độ nở thanh vữa trong môi trường nước” quy định phương pháp xác định độ nở thanh vữa xi măng thủy có chứa thành phần sulfat ngâm trong môi trường nước. Tiêu chuẩn được xây dựng về cơ bản dựa trên ASTM C1038/C1038M-14, và một số tiêu chuẩn nước ngoài và trong nước có liên quan khác như ASTM C452, ASTM C1012, ASTM C596, TCVN 7713:2007. Dự thảo được trình bày theo bố cục thông thường của một tiêu chuẩn phương pháp thử xi măng của Việt Nam, gồm 11 phần: phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, nguyên tắc, thiết bị - dụng cụ, thuốc thử - vật liệu, điều kiện thí nghiệm…So với ASTM C1038/ C1038M-14, chỉ thay đổi điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn (27oC) để phù hợp với điều kiện thử nghiệm thực tế ở Việt Nam.

Về đề tài TC 74-14, ThS. Hà Văn Lân cho biết: tiêu chuẩn được áp dụng cho xi măng pooc lăng bền sulfat. Hầu hết các nước có bờ biển đều có tiêu chuẩn xi măng bền sulfat, với các chỉ tiêu và yêu cầu khác nhau. Việt Nam đã xây dựng tiêu chuẩn trong lĩnh vực này từ năm 1995, tới năm 2004 đã được soát xét lại. Tuy nhiên, việc ứng dụng TCVN vào các dự án chưa đạt hiệu quả cao; các dự án đang thực hiện hiện nay đa số vẫn áp dụng ASTM C150. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế trong nước, việc soát xét TCVN 6067: 2004 là cần thiết.

Căn cứ thực tế sử dụng xi măng bền sulfat, đồng thời dựa trên các tiêu chuẩn hiện hành trong nước (TCVN 7024:2013, TCVN 9035:2011…) và trên thế giới (ASTM C150:2012), nhóm đề tài đã thực hiện việc soát xét, nhằm đưa tiêu chuẩn vào ứng dụng rộng rãi hơn trong thực tế, với các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định đầy đủ, an toàn cho sử dụng xi măng vào công trình xây dựng trong môi trường xâm thực sulfat.

Nhận xét về các đề tài, bên cạnh sự nhất trí với tính cấp thiết, tính thực tiễn cao của các đề tài, Hội đồng cũng thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về thuật ngữ, bố cục, về cách chuyển dịch tài liệu và một số nội dung nên lược bỏ ở các tiêu chuẩn gốc để các đề tài có tính ứng dụng cao hơn.

Hội đồng nghiệm thu cả hai đề tài đều nhất trí với kết quả xếp loại Khá.

Thong ke